Tăng sức đề kháng cho trẻ là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây hại từ môi trường, đặc biệt là trong tình hình dịch viêm phổi cấp Corona (COVID-19) đang diễn biến phức tạp. Trong bài viết dưới đây, Norikid sẽ đem đến cho bạn những lời khuyên bổ ích, giúp bạn xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ.
1.Sức đề kháng là gì?
Sức đề kháng là khả năng chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây bệnh như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,… vào cơ thể. Với một hệ thống đề kháng tốt, cơ thể bạn sẽ ngăn chặn được những tác nhân gây hại từ môi trường xung quanh hoặc tìm cách loại bỏ, tiêu diệt chúng nếu chúng đã xâm nhập vào bên trong.
2. Sức đề kháng của trẻ
Với từng giai đoạn phát triển trong cuộc đời mà mỗi chúng ta sẽ có khả năng đề kháng khác nhau. Trong đó, sức đề kháng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn rất yếu kém, đây là lý do khiến trẻ nhỏ hay ốm vặt, nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, tiêu hóa… rất cao. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ và/hoặc kèm theo chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp.
Cần có các biện pháp phù hợp giúp tăng sức đề kháng cho trẻ nhỏ
Thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột, không khí ô nhiễm,… tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus có hại phát triển. Đây là thời điểm nhạy cảm khiến cơ thể trẻ rất dễ nhiễm bệnh.
Nếu ba mẹ không giúp trẻ xây dựng một hệ thống miễn dịch tốt, tăng sức đề kháng cho trẻ, trẻ sẽ mắc các bệnh truyền nhiễm như: tay chân miệng, sởi, thủy đậu,… và các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi, viêm họng,… đặc biệt trong tình hình dịch viêm đường hô hấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc bảo vệ trẻ từ bên ngoài như đeo khẩu trang, hạn chế đưa trẻ đến những nơi tập trung đông người, rửa tay thường xuyên,… ba mẹ cũng cần lưu ý tăng sức đề kháng cho trẻ từ bên trong qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày hợp lý và lối sống lành mạnh.
Tăng sức đề kháng trẻ em là một việc làm cấp thiết mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng nên quan tâm để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bé phát triển, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. Một trong những cách tăng sức đề kháng trẻ em hiệu quả chính là thay đổi chế độ dinh dưỡng hằng ngày phù hợp. Vậy cụ thể thì ba mẹ cần làm gì để tăng sức đề kháng cho trẻ?
3. Các cách tăng sức đề kháng cho trẻ nhỏ
Để hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ có sức khỏe tốt, ba mẹ cần kết hợp hiệu quả chế độ dinh dưỡng hằng ngày với các biện pháp chăm sóc, phòng tránh bệnh.
3.1.Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học
Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, ba mẹ hãy cùng tham khảo những lưu ý sau đây:
- Bổ sung cho trẻ đủ lượng nước nhu cầu hằng ngày;
- Các bữa ăn cần đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính bao gồm Carbohydrate (tinh bột), protein (đạm), lipid (dầu mỡ) và các vitamin, khoáng chất khác;
- Chế độ ăn tăng sức đề kháng không bao giờ thiếu kẽm, trong đó các loại thực phẩm dồi dào kẽm bao gồm tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc…
- Chế độ dinh dưỡng cần cung cấp thêm các loại rau củ, hoa quả tươi (chứa nhiều vitamin C, E) giúp tăng sức đề kháng trẻ em, hạn chế táo bón;
- Các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám, sữa chua… cũng mang lại khả năng tăng cường miễn dịch cho trẻ nhỏ;
Chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ
3.2. Cho trẻ uống đủ nước
Uống đủ nước là một trong những cách tăng sức đề kháng cho trẻ. Nước có tác dụng đưa bạch cầu đi khắp cơ thể, đồng thời đào thải những chất độc hại ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi. Một lượng nước vừa đủ mỗi ngày sẽ giúp tăng cường trao đổi chất ở trẻ, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho tế bào. Vì vậy, ba mẹ cần tập cho trẻ thói quen uống đủ nước mỗi ngày. Lượng nước cần thiết cho trẻ phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng và cường độ hoạt động, vui chơi của từng bé.
Lượng nước uống trung bình mỗi ngày theo American dietary recommendations (Institute of Medicine, 2005) (giải thích: ví dụ trẻ 1-3 tuổi, trung bình mỗi ngày cần nhập vào 1300ml nước, trong đó 900ml là từ nước uống và 400ml còn lại là từ canh, trái cây…).
Trẻ cần uống đủ nước mỗi ngày theo khuyến cáo từ các cơ quan ý tế chính thức
3.3.Bổ sung các chất tăng sức đề kháng cho trẻ vào thực đơn
Những thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày sẽ tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch của trẻ. Ba mẹ hãy bổ sung ngay những thực phẩm này vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho trẻ nhé:
- Cá: ba mẹ nên bổ sung cá thường xuyên trong thực đơn hàng ngày của trẻ vì cá có chứa chất oxy hóa rất tốt cho hệ miễn dịch.
- Các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc,… không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại những vi rút gây bệnh.
- Khoai lang: loại củ này có chứa nhiều beta-carotene, vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn đồng thời giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.
- Các loại trái cây chứa các chất tăng sức đề kháng cho trẻ: Chuối giàu vitamin B6, chất xơ tiêu hóa và kali; cam và quýt với lượng vitamin C dồi dào; nho chứa chất chống oxy hóa cao,… có tác động tích cực đến hệ miễn dịch.
3.4. Cho trẻ ăn một cách khoa học
Không những chú trọng đến việc cho trẻ ăn gì và ăn bao nhiêu, ba mẹ cũng cần quan tâm đến việc cho trẻ ăn thế nào là đúng cách. Ba mẹ cần tập cho trẻ ăn đúng giờ, đều đặn. Thay đổi thực đơn thường xuyên để tạo hứng thú và cảm giác ngon miệng cho bé. Một bữa ăn đảm bảo chất dinh dưỡng là phải có đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, không nên chỉ tập trung vào một loại chất.
Dạy trẻ ăn đúng cách cũng là một công việc quan trọng bên cạnh xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý
3.5. Cho trẻ ngủ đủ giấc
Một giấc ngủ sâu và đủ dài là rất cần thiết cho sự phát triển của bé, hỗ trợ làm tăng sức đề kháng cho trẻ; phát triển trí tuệ, chiều cao, cân nặng của trẻ; giúp trẻ có tinh thần thoải mái, chơi ngoan cả ngày. Vì vậy, ba mẹ cần đảm bảo cho trẻ một giấc ngủ sâu từ 8-11 tiếng tùy theo độ tuổi. Tổng thời gian giấc ngủ trong ngày theo AASM (American Academy of Sleep Medicine) 2016:
- 4 – 12 tháng: 12-16 giờ (bao gồm cả ngủ trưa)
- 1 – 2 tuổi: 11-14 giờ (bao gồm cả ngủ trưa)
- 3 – 5 tuổi: 10-13 giờ (bao gồm cả ngủ trưa)
- 6 – 12 tuổi: 9-12 giờ
- 13 – 18 tuổi: 8-10 giờ
- 18 tuổi trở lên: từ 7 giờ trở lên